Tin tức iTel • 2024-11-05
Cảnh báo các chiêu thức lừa đảo qua cuộc gọi thoại và tin nhắn SMS
- Các chiêu thức lừa đảo phổ biến trong thời gian gần đây
- Giả danh công an, cơ quan chức năng
- Giả danh nhân viên của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử
- Tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội, ngân hàng
- Giả danh nhân viên của công ty bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí
- Giả mạo người thân, người quen qua cuộc gọi video DeepFake
- Giả danh giáo viên, nhân viên y tế
- Cuộc gọi từ tổng đài tự động với nội dung được thu âm sẵn
- Cuộc gọi đến từ thuê bao quốc tế, có đầu số lạ
- Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản
- Các biện pháp xử lý khi gặp tình huống lừa đảo
- Báo cáo cơ quan chức năng về dấu hiệu lừa đảo
- Báo cáo với ngân hàng về giao dịch không rõ nguồn gốc
- Chặn một cuộc gọi làm phiền cụ thể
- Tổng kết
Các chiêu thức lừa đảo phổ biến trong thời gian gần đây
Giả danh công an, cơ quan chức năng
Đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng công nghệ cao, giả danh công an, tòa án hoặc người của cơ quan chức năng và gọi điện thông báo rằng bạn có liên quan đến một vụ án đang được điều tra hoặc bị lỗi phạt nguội giao thông; và yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc khai báo số tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác điều tra.
Bên cạnh đó, chúng có thể mạo danh công an phường, yêu cầu bạn cài đặt các ứng dụng dịch vụ công mới ra mắt, trên thực tế là các ứng dụng chứa mã độc nhằm mục đích chiếm quyền điều khiển smartphone và xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn.
Giả danh nhân viên của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử
Đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để gọi điện hỗ trợ bạn giải quyết các sự cố; hoặc hướng dẫn bạn cách nâng cấp SIM 4G/5G, tận dụng các ưu đãi về gói cước… Bên cạnh đó, chúng có thể mạo danh nhân viên ngân hàng, ví điện tử để liên hệ hướng dẫn bạn cách nâng hạng thẻ tín dụng, rút tiền từ thẻ không mất phí, hoặc hưởng các ưu đãi khác của ngân hàng.
Sau đó, chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, dãy số OTP được gửi đến điện thoại, hoặc dụ dỗ bạn cài đặt các ứng dụng chứa mã độc để xâm nhập vào smartphone.
Tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp bảo hiểm xã hội, ngân hàng
Đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) giả mạo để gửi hàng loạt các tin nhắn SMS Brandname của các cơ quan, doanh nghiệp BHXH, ngân hàng,... dụ dỗ bạn truy cập vào trang web giả mạo với giao diện gần giống trang web chính thức. Khi truy cập vào các trang web này, chúng sẽ yêu cầu bạn khai báo thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt. Một số đường link đến trang web giả có định dạng bất thường mà bạn cần cảnh giác như “vn-cbs.xyz”, “vn-ms.top”...
Giả danh nhân viên của công ty bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí
Đối tượng lừa đảo sẽ giả danh nhân viên của công ty bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí… để liên hệ thông báo bạn đã trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao; được gia hạn thời gian bảo hành sản phẩm; hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về. Để nhận được các phần quà này, chúng yêu cầu bạn phải cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP đăng nhập tài khoản; hoặc mua một sản phẩm, chuyển trước một khoản tiền cho chúng.
Giả mạo người thân, người quen qua cuộc gọi video DeepFake
DeepFake là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của nhân vật giống hệt như của một đối tượng ngoài đời thực. Với công nghệ này, kẻ lừa đảo sẽ tạo ra các video giả mạo người thân, bạn bè, người quen, sếp... của bạn và gọi điện cho bạn nhằm thực hiện chiêu trò lừa đảo.
Giả danh giáo viên, nhân viên y tế
Đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là giáo viên của con em bạn, hoặc nhân viên y tế, gọi điện thông báo rằng con em, người thân của bạn đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch; yêu cầu bạn phải chuyển tiền đóng viện phí để có thể phẫu thuật gấp, từ đó chiếm đoạt số tiền này.
Cuộc gọi từ tổng đài tự động với nội dung được thu âm sẵn
Nếu nhận được cuộc gọi từ tổng đài tự động hoặc một số lạ, nhưng khi bắt máy thì xuất hiện âm thanh được thu âm sẵn, hoặc giọng nói không tự nhiên, giống như được tạo ra bởi AI, bạn nên dập máy ngay để tránh bị dụ dỗ thực hiện các thao tác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cuộc gọi đến từ thuê bao quốc tế, có đầu số lạ
Bạn cần hết sức cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế nếu đó không phải số của người quen gọi từ nước ngoài. Các thuê bao này sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc số 00 ở đầu, với hai số tiếp theo không phải là 84 (mã vùng của Việt Nam), ví dụ như: Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)... Chiêu trò của đối tượng lừa đảo là nháy máy đến bạn, khiến bạn phải gọi lại và phát sinh cước viễn thông rất cao.
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản
Đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển “nhầm” tiền vào tài khoản ngân hàng của bạn, sau đó gọi điện giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính và yêu cầu bạn trả lại số tiền vừa nhận được như một khoản vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn có chiêu trò gọi điện giới thiệu mình đang sinh sống tại nước ngoài và muốn nhận lại số tiền đã chuyển. Để có thể trả lại tiền, bạn phải sử dụng một dịch vụ chuyển tiền quốc tế và điền thông tin tài khoản ngân hàng của mình vào một đường link. Từ đây, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bạn có thể sẽ bị rút hết.
Các biện pháp xử lý khi gặp tình huống lừa đảo
Báo cáo cơ quan chức năng về dấu hiệu lừa đảo
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ hành vi hoặc thông tin có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm pháp luật nào, hãy báo cáo ngay đến các cơ quan chức năng gần nhất.
Ngoài ra, bạn có thể soạn tin nhắn tố giác theo cú pháp: LD [Nguon phat tan] [Noi dung cuoc goi lua dao] gửi đến 156 hoặc 5656; hoặc gọi tổng đài 156 để nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng.
Báo cáo với ngân hàng về giao dịch không rõ nguồn gốc
Khi nhận được một giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc, bạn tuyệt đối không chuyển lại theo yêu cầu của người gọi, bởi có khả năng họ không phải chủ nhân của số tiền đã chuyển “nhầm”. Thay vào đó, bạn hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng đang cung cấp dịch vụ cho mình, thông báo về một khoản giao dịch không rõ nguồn gốc để ngân hàng tra soát giao dịch này. Khi tìm được chủ nhân của số tiền đã gửi, ngân hàng sẽ thông báo cho bạn và hỗ trợ bạn chuyển lại tiền cho đúng người.
Chặn một cuộc gọi làm phiền cụ thể
Trên IOS
Trên hệ điều hành IOS, tính năng chặn cuộc gọi được tích hợp chung với chặn tin nhắn. Vì vậy, khi chặn cuộc gọi từ một thuê bao bất kỳ, bạn cũng sẽ không nhận được tin nhắn nào từ họ.
Bước 1: Vào ứng dụng Danh bạ > Chọn mục “Gần đây” để xem lại lịch sử cuộc gọi > Bấm vào biểu tượng chữ “i" bên phải số điện thoại mà bạn muốn chặn.
Bước 2: Kéo xuống dưới rồi bấm chọn nhấn vào “Chặn Người gọi này” > Xác nhận “Chặn liên hệ”.
Trên Android
Trên hầu hết các dòng điện thoại Android, tính năng chặn cuộc gọi không được tích hợp chung với chặn tin nhắn. Vì vậy, khi đã chặn cuộc gọi từ một thuê bao, bạn vẫn có thể nhận tin nhắn từ họ bình thường.
Bước 1: Vào ứng dụng Điện thoại > Chọn mục “Gần đây”.
Bước 2: Nhấn vào số điện thoại mà bạn muốn chặn > Nhấn vào biểu tượng chữ “i”.
Bước 3: Nhấn vào lựa chọn “Chặn” ở phía cuối màn hình mới xuất hiện > Khi xuất hiện thông báo cho biết kể từ thời điểm này, bạn sẽ không nhận được cuộc gọi và tin nhắn nào từ số điện thoại đó nữa, chọn “Chặn” nếu đồng ý.
Tổng kết
Các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi và tin nhắn SMS đang ngày càng trở nên đa dạng và tinh vi hơn. Vì vậy, hãy hết sức cảnh giác và phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng, để không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo khó lường này nhé!
Đánh giá và nhận xét
Viết bình luận
Bình luận
Bạn đã sẵn sàng chọn số, mua Sim?
Cùng Anh iTel đi liền thôiiiiii! Gét gô
Hỗ trợ 24/24